Câu chuyện nhẹ nhàng, đầy chất thơ
Có thể nói, Cô gái trong nắng là một cuốn tiểu thuyết hết sức nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như chính cái tên đầy ấm áp và đậm chất thơ của tác phẩm này vậy. Câu chuyện mang cốt truyện giản đơn, gần như không chút gay cấn, cũng chẳng hề xung đột và càng không chứa đựng plot twist làm người đọc phải ngã ngửa. Mạch truyện trôi qua êm đềm quanh cuộc sống thường nhật của cặp vợ chồng son ngỡ rằng bình thường như bao cặp vợ chồng khác: Kousuke và Mao. Nhưng nếu chỉ có vậy, thì Cô gái trong trắng sẽ chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết diễm tình ngọt ngào mà thiếu đi điểm nhấn, đọc một lần rồi lãng quên.
Mà hơn cả, từ những điều bình dị, tác giả Koshigaya Osamu đã đan cài những tình huống “có vấn đề”, ẩn chứa những bất ngờ, như sự tình cờ của số phận, nối kết con người lại với nhau. Vì thế, bất ngờ đó song lại tự nhiên và giản dị khôn cùng. Giống với cách đám cưới chớp nhoáng giữa Kousuke – Mao đã diễn ra và người chủ động tiến đến, lại chính là cô bé Mao hậu đậu, rụt rè, ngờ nghệch năm nào. Giống với thân phận thật sự đằng sau Mao hậu đậu như chẳng biết gì về thế giới trong quá khứ và Mao như đã lột xác, trở nên xinh đẹp, thông minh, nhiệt huyết, khéo léo trong hiện tại. Để ta nhận ra, hai con người ấy gặp nhau là duyên phận, gắn với nhau cũng vì chữ duyên nhưng để có thể bên nhau, còn là sự cố gắng không ngừng đến từng giây, từng phút của những con người yêu nhau, muốn dành trọn mỗi khoảnh khắc thời gian họ được bên nhau trên cõi đời.
Mọi tình tiết ở Cô gái trong nắng bởi thế trở nên hợp lí, liên kết, logic với nhau lạ. Vì vốn, Cô gái trong nắng không phải tiểu thuyết thuần về hiện thực. Câu chuyện ấy chứa đựng cả yếu tố huyền thoại, từ đó, làm chuyện tình giữa Kousuke và Mao càng thêm phần nhuốm màu cổ tích. Nhưng viết về hư ảo, tận cùng tác giả Koshigaya Osamu vẫn hướng ngòi bút về thực tại. Cuộc gặp nào rồi cũng đến lúc tàn, hợp tan tan hợp vốn là quy luật của cuộc sống. Nhưng con người ở giữa cuộc đời, trước biến động thời gian hay bánh răng số phận không thể thay đổi, vẫn có thể chọn lựa cho bản thân cách sống và cách yêu. Dẫu rằng, đó là sự tự nguyện yêu thương một người và nguyện đi theo bóng hình người suốt chín kiếp đầu thai.
Tiểu thuyết Cô gái trong nắng, nhẹ nhàng, ngọt ngào mà cũng đẹp đến đớn đau như vậy đấy. Vì người ta đâu dễ dàng gì có thể “biết yêu anh cả khi chết đi rồi.” (Tự hát – Xuân Quỳnh)
Gặp nhau bởi duyên, yêu nhau vì chữ tình nặng sâu
Với hơn 200 trang sách của tiểu thuyết Cô gái trong nắng, thật khó để tác giả Koshigaya Osamu xây dựng được tuyến nhân vật đông đảo, mở rộng trường không gian, bối cảnh. Nhưng thay vào đó, ông đã gần như tập trung bút lực nhằm tô đậm hình ảnh hai nhân vật chính: Kousuke và Mao thông qua đời sống thường nhật họ bên nhau cùng những cá nhân khác, dẫu thoáng qua song cũng để lại ấn tượng ít nhiều có liên quan đến cuộc sống gia đình họ.
Và nếu dùng ngôn ngữ để hình dung những mối quan hệ giữa các nhân vật trong Cô gái trong nắng, có lẽ chẳng thể vượt thoát khỏi hai chữ: duyên kiếp. Mao vốn là một cô mèo với 9 kiếp sống. Nhưng chính chữ duyên đã giúp cô gặp được một chàng trai tốt bụng như Kousuke khi cô khó khăn nhất. Chữ duyên cũng giúp Mao gặp được cha mẹ nuôi của cô, cặp vợ chồng thương và gắn kết tình cảm, tâm hồn với cô còn hơn cả con đẻ. Đồng thời cũng từ chữ duyên mà Mao vào làm việc tại Lara Aurore trong kiếp thứ hai khi biến thành người để cô lần nữa, được gặp lại chàng trai cô dành trọn cả trái tim, tâm hồn.
Nhưng “duyên kiếp” sẽ chẳng thể mãi đồng hành cùng Mao trên con đường đuổi theo tình yêu nếu cô gái nhỏ đấy không kiên trì đến tận cùng. Watarai Mao, từ mèo hóa thành người xuất phát từ tấm lòng muốn được đền ơn, trả nghĩa cho ơn cứu mạng của Kousuke. Rồi từ ơn nghĩa mà thành yêu thương, nghĩa tình nặng sâu đến mức như thứ tín ngưỡng cô gái mang từ kiếp này sang kiếp khác. Nhưng có là mèo hay là người thì số mệnh Mao vẫn chỉ ngắn ngủi như kiếp mèo hoang lang thang đó đây và cô đã dành trọn kiếp đời ngắn ngủi đó để yêu thương dường như đến mức ngốc nghếch như vậy đấy.
Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, Mao có thể kiên trì đến vậy, bởi đã có một Kousuke luôn bao dung, dịu dàng, sẵn sàng đợi chờ cô. Hai cá nhân, hai tâm hồn đã từng rụt rè trước cuộc sống, tìm thấy nhau, bên nhau, đồng cảm mà đi qua những tháng ngày yên bình của một kiếp đời và mỗi lúc, một thêm mạnh mẽ. Mạnh mẽ để yêu, và mạnh mẽ để chờ đợi. Quả tình, yêu thương vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống chảy trôi, chỉ là người ta có đủ tinh tế mở lòng, dũng cảm tiến đến đón nhận thương yêu hay không. Và khi yêu thương đủ đầy, trở thành một thói quen của con người thì dẫu có vật đổi sao dời, dẫu có phép thuật ngăn trở cũng chẳng thể xóa nhòa những xúc cảm đã trở thành bản năng, hằn sâu vào tầng sâu vô thức tâm hồn.
Bên cạnh đó, tình yêu trong tiểu thuyết Cô gái trong nắng đâu đơn thuần chỉ là tình yêu đôi lứa. Mà rộng hơn, đấy còn là tình cảm giản dị, trong trẻo, không vụ lợi giữa con người với con người. Như cách bố mẹ nuôi Mao đã nhận nuôi cô, trao cho cô thứ tình cảm gia đình thiêng liêng từ ngày cô còn là đứa trẻ mới chập chững hóa thành người, chưa nhận thức được thế giới đến khi cô khôn lớn trưởng thành.
Vì thế, Cô gái trong nắng thật sự là cuốn tiểu thuyết chứa chan ấm áp tình yêu, tình người, tình đời. Tác giả Koshigaya Osamu đã viết lên một tác phẩm rất gọn và cô đọng trong cách triển khai tình tiết, cốt truyện cũng như xây dựng nhân vật. Mọi thứ đều vừa đủ, hư ảo vừa đủ để câu chuyện mang sắc bàng bạc tựa cổ tích nhưng lại không quá xa rời hiện thực cuộc sống. Và trong thế giới văn học Nhật Bản chứa đựng quá nhiều thương tổn, vụn vỡ, mơ hồ, bất định, lạc bước… thì Cô gái trong nắng quả thực như một tia nắng sưởi ấm trái tim độc giả. Để người ta, khi gấp trang sách lại, có thêm niềm tin về hai chữ tình yêu, về hai tiếng tình người giữa cuộn xoáy cuộc sống mỗi lúc thêm ồn ã này.