Thời bao cấp trong mỗi người lớn tuổi là một cảm xúc khác nhau, có người nhớ về như một giai đoạn lạc hậu và bảo thủ, người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Nhà văn Ngô Minh đã làm “sống lại” thời bao cấp – một giai đoạn phát triển của đất nước sau chiến tranh – với cái nhìn riêng, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ.
Giáo sư Trần Văn Thọ viết về tình trạng kinh tế 10 năm đầu sau chiến tranh:
“Mười năm sau 1975 là một trong những giai đoạn tối tăm nhất trong lịch sử Việt Nam. Chỉ nói về mặt kinh tế, là một nước nông nghiệp (năm 1980, 80% dân số sống ở nông thôn và 70% lao động là nông dân) nhưng Việt Nam thiếu ăn, nhiều người phải ăn bo bo trong thời gian dài. Lượng lương thực tính trên đầu người giảm liên tục từ năm 1976 đến 1979, sau đó tăng trở lại nhưng cho đến năm 1981 vẫn không hồi phục lại mức năm 1976. Công thương nghiệp cũng đình trệ, sản xuất đình đốn, vật dụng hằng ngày thiếu thốn, cuộc sông của người dân vô cùng khốn khó. Ngoài những khó khăn của một đất nước sau chiến tranh và tình hình quốc tế bất lợi, nguyên nhân chính của tình trạng nói trên là do sai lầm trong chính sách, chiến lược phát triển, trong đó nổi bật nhất là sự nóng vội trong việc áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa trong kinh tế ở miền Nam… Nguy cơ thiếu ăn kéo dài và những khó khăn cùng cực khác làm phát sinh hiện tượng “phá rào” trong nông nghiệp, trong mậu dịch và trong việc quyết định giá cả lương thực đã cải thiện tình hình tại một số địa phương”
Thời bao cấp là giai đoạn 1976-1986( riêng miền Bắc là trước năm 1975) khi đất nước vừa giành lại độc lập và tiếp đó là 2 cuộc VỆ QUỐC VĨ ĐẠI, chiến tranh biên giới phía Bắc (1979 ) và diệt giặc Polpot-ở biên giới Tây Nam ( 1977-1989)
Cái thời bao cấp gắn liền với hàng trăm loại tem phiếu. Nhắc đến cái thời ấy là nhắc đến những cửa hàng mậu dịch nơi những ngày xếp hàng rồng rắn nối đuôi rồi bà cô mậu dịch hét câu” hết hàng!! ” và đóng cửa trong sự nuối tiếc của những người” không chịu xếp hàng từ 3- 4h sáng!
Thời bao cấp là những ngày ăn khoai độn sắn độn. Những khu tập thể chỉ dăm ba mét vuông. Có những đôi vợ chồng li dị nên căn nhà phải phân ra bằng một vách ngăn, “chị bên trong còn ông bên ngoài”. lắm chị vợ có người yêu rồi dẫn về nhà ngủ, ông chồng cũ thì chỉ biết trùm chăn bịt tai mà chịu!
Thời bao cấp là thời mà ai có đồng hồ Seiko, dép Tiền Phong, mũ cối Trung Quốc, có xe đạp và thỉnh thoảng chơi đôi câu tiếng Nga là lập tức thành hot boy, tán đâu đổ đó !
Ở thời bao cấp, thức ăn rất ít, cha mẹ phải nhường con từng miếng cơm mẩu thịt, rồi âm thầm cắn răng chịu đựng….
“Mỗi người có những kỷ niệm riêng về thời bao cấp của mình. Người cho đó là thời dễ sợ, thời của những lạc hậu và bảo thủ. Người cho đó là thời của những ấu trĩ hồn nhiên, đáng trách nhưng không đáng giận. Người lại cho đó là thời dễ thương, đói nghèo nhưng ấm áp. Tôi chứng kiến thời bao cấp với cái nhìn của riêng tôi, vừa buồn cười vừa cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ…”